Quá nóng vội, bỏ qua giai đoạn đàm phán… là hai trong số những sai lầm mà các nhà đầu tư mới thường gặp phải khi gia nhập thị trường bất động sản đầy biến động.
Việc thiếu kinh nghiệm khiến các nhà đầu tư mới đối mặt với nhiều rủi ro trên thị trường bất động sản. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Theo Entrepreneur, bất động sản là một trong những kênh đầu tư an toàn để sinh lợi nhuận lâu dài. Lĩnh vực này đang ngày càng thu hút nhiều cá nhân, tổ chức gia nhập thị trường. Những nhà đầu tư mới cần cẩn trọng khi đưa ra các quyết định để tránh “tiền mất tật mang”.
Nghĩ rằng mình sẽ giàu có nhanh chóng
Một trong những sai lầm phổ biến của các nhà đầu tư mới là nghĩ rằng “quả ngọt” sẽ mau đến sớm. Nhiều lão làng trong ngành thường quảng cáo rằng bất động sản có thể mang lại sự giàu có ngay lập tức mà không cần nỗ lực. Tuy nhiên, chính tinh thần hy sinh và sự chăm chỉ làm việc mới là chìa khóa dẫn đến thành công trong thị trường nhà đất.
Bất động sản không phải là một lĩnh vực đầu tư có khả năng sinh lời cấp tốc. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Trong thực tế, đức tính kiên nhẫn rất cần thiết trong đầu tư bất động sản. Quá trình tìm kiếm một khu vực có khả năng sinh lời tốt có thể mất vài tháng.
Không có chiến lược
Nhiều nhà đầu tư mới lao vào thị trường mà không hề có kế hoạch. Điều này sẽ khiến tỷ lệ rủi ro tăng lên. Vì vậy, việc xác định rõ chiến lược ngay từ ban đầu sẽ giúp định hướng đầu tư trở nên đúng đắn và tránh trường hợp mạo hiểm.
Chỉ tập trung vào một khu vực
Một sai lầm khác mà các nhà đầu tư mới hay mắc phải là quá tập trung vào một khu vực. Đây thường là nơi gần nhà của họ hoặc có khả năng sinh lời cao. Trong thực tế, cách tìm kiếm này sẽ làm giảm cơ hội của các nhà đầu tư khi họ bị bó buộc tầm nhìn tại khu vực đó, ngay cả khi chúng không có khả năng sinh lời.
Bỏ qua giai đoạn đàm phán
Nhiều nhà đầu tư quên rằng một thương vụ tốt được thực hiện từ thời điểm mua. Nếu sản phẩm được mua với giá quá cao sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của khoản đầu tư, bất kể đó là dự án cho thuê hay bán lại. Vì vậy, nhà đầu tư mới được các chuyên gia khuyến nghị không nên dành thời gian cho những dự án có giá “trên trời”.
Đánh giá thấp chi phí và phạm vi công việc
Các khoản chi phí đầu tư có thể liên tục phát sinh ngoài dự kiến. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Thông thường, các nhà đầu tư mới không nắm được phạm vi công việc phải thực hiện và đánh giá thấp chi phí họ sẽ phải bỏ ra. Một số người mới chỉ hình dung được một phần của vấn đề trong khi các khoản chi đầu tư có thể liên tục phát sinh. Vì vậy, nhà đầu tư mới nên tìm kiếm sự giúp đỡ của các chuyên gia để giảm thiểu rủi ro tài chính khi tham gia vào thị trường.
Không kiểm tra tình trạng bất động sản
Nhà đầu tư nên trực tiếp kiểm tra tình trạng của dự án để đưa ra đánh giá toàn diện về sản phẩm. Đây là công đoạn không thể lơ là. Mọi chi tiết cũng như trạng thái của dự án cần được kiểm tra cẩn thận. Ví dụ, nhà đầu tư có thể kiểm tra phần mái nhà bằng máy bay không người lái để có nhận định chính xác nhất.
Nghĩ rằng bản thân có thể giải quyết tất cả
Trong lĩnh vực bất động sản, các nhà đầu tư mới có xu hướng nghĩ rằng mình có thể xử lý mọi việc. Hành động này có thể xuất phát từ sự tự tin thái quá về bản thân, mong muốn kiếm được nhiều lợi nhuận hơn hoặc sự không tin tưởng khi ủy thác công việc cho người khác.
Phân chia thời gian và nhiệm vụ hợp lý sẽ giúp nhà đầu tư đạt hiệu quả làm việc tốt hơn. Ảnh: Chí Hùng. |
Đây là một sai lầm phổ biến của các nhà đầu tư mới. Thay vì ôm đồm tất cả mọi thứ, họ chỉ cần tập trung làm công việc trong khả năng của bản thân, ví dụ như tìm kiếm các sản phẩm bất động sản khác hoặc tối ưu hóa khả năng sinh lời của dự án đã đầu tư.
Trong một số trường hợp, việc giao trách nhiệm này cho các chuyên gia là một lựa chọn tốt hơn. Tuy nhiên, việc ủy quyền không đồng nghĩa với sự thiếu kiểm soát. Nhà đầu tư cũng cần theo dõi, giám sát tiến trình công việc một cách đều đặn.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu…