Thấu hiểu ước mơ của cha mẹ về một ngôi nhà bình dị, rợp bóng cây trái để đón những người con trở về, anh chàng kiến trúc sư 9x đã tự tay thiết kế và thi công ngôi nhà mơ ước.
Báo hiếu cha mẹ luôn là một trong những ước mơ lớn nhất của những người làm con. Anh Trần Thế Sơn, sinh năm 1994 tại thị xã Nghi Sơn, Thanh Hoá đã tự mình tích góp tiền bạc và tự tay thiết kế cho bố mẹ một ngôi nhà bình dị ngay giữa vùng quê. Anh đã tự mình theo sát công trình từ khi bắt đầu đến khi hoàn thiện và cố gắng bài trí sao cho ngôi nhà đầy đủ công năng, tiện lợi nhất có thể nhưng vẫn phù hợp với những nét đặc trưng sinh hoạt bản địa.
Anh Trần Thế Sơn, sinh năm 1994 tại thị xã Nghi Sơn, Thanh Hoá
Tỉ mỉ trong từ công đoạn
Vốn hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc, đã từng triển khai thiết kế và xây dựng nhiều công trình, anh sơn đã rút ra được nhiều kinh nghiêm trong quá trình xây dựng. Bằng kinh nghiệm của bản thân, anh cố gắng tính toán sao cho tiết kiệm chi phí mà vẫn đầy đủ mọi công năng.
“Với những đặc thù xây dựng tại địa phương, tôi cố gắng đơn giản hóa bản vẽ, tiết chế về học thuật chuyên sâu giúp cho việc đọc hiểu bản vẽ và thực hành thi công của những người thợ địa phương trở nên dễ dàng hơn và đi đúng ý đồ thiết kế nhất”, anh Sơn chia sẻ.
Bản thiết kế 3D tỉ mỉ của anh Sơn
Bản thân anh Sơn tự giám sát công trình từ đầu đến cuối nên luôn trao đổi và giải quyết những vấn đề phát sinh cùng đội thợ để đưa ra những giải pháp tối ưu nhất. “Theo tôi, việc hiểu được nhau trong quá trình làm việc luôn là điều quan trọng nhất. Tôi đặc biệt cẩn thận trong khâu thảo luận với thợ xây về vấn để bản vẽ. Việc đọc hiểu bản vẽ cũng chính là cách để việc thi công xây dựng tiết kiệm nhất. Khi kiểm soát được bản vẽ có nghĩa là người thợ đang làm đúng với dự toán ban đầu của thiết kế”, anh Sơn kể lại.
Anh Sơn tự mình giám sát công trình
Về nguyên vật liệu, chàng trai 9x chủ động liên hệ, đến tận nơi để chọn vật liệu. Anh chủ yếu sử dụng nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương. Tuy nhiên, nhờ mọi thứ đã được lên kế hoạch trước ngay trong bản vẽ nên chi phí cho vật liệu cũng giảm được khá nhiều. “Trên cương vị vừa là nhà đầu tư, vừa là người thiết kế, việc thay đổi bản thiết kế cũng rất dễ gây ra việc tăng thêm chi phí đầu tư. Chủ đầu tư nên kiên định và tôn trọng phương án thiết kế đã chốt ban đầu”, anh nói.
Ngôi nhà trước và sau khi hoàn thành
Nhờ sự cẩn thận và tỉ mỉ trong từng khâu nhỏ nhất, anh Sơn đã thành công xây được một ngôi nhà theo đúng mong ước của bố mẹ cũng như kế hoạch của bản thân. Ngôi nhà rộng 280m2 với đầy nội thất và tiện nghi, xum xuê cây trái, vườn rộng thoáng mát… có tổng chi phí lên đến 2,2 tỷ đồng. Anh Sơn rất hài lòng với kết quả cũng như kinh phí bỏ ra vì nhờ kinh nghiệm của mình, anh và gia đình đã tiết kiệm được hơn 200 triệu so với bình thường.
Ngôi nhà luôn tràn ngập tiếng cười
Bố của anh Sơn là anh trai trưởng trong gia đình khá đông anh em, đa số đều sống liền kề cạnh nhau trên mảnh đất từ thế hệ trước để lại, còn lại là định cư ở các tỉnh phía trong. Vậy nên ngoài việc tạo ra không gian đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho gia đình, bố mẹ anh cũng muốn xây dựng một ngôi nhà rộng rãi, khang trang để mỗi dịp lễ, tết anh chị em có thể tề tựu đông đủ.
“Sâu trong ý niệm việc thờ tự gia tiên là một phần quan trọng không thể thiếu, gian từ đường nằm vị trí giữa công trình, phía trước là khoảng sân trong cũng chính là trọng tâm của thiết kế. Các khối chức năng được bố trí quây quần xung quanh tạo ra sự kết nối mà ở đó các thành viên trong gia đình giao tiếp hằng ngày”, anh Sơn cho biết.
Khoảng sân rộng và nhiều cây cối, cách bố trí ấn tượng
Chàng trai 28 tuổi đã mang theo những khát khao ấy của bố mẹ vào trong bản thiết kế. Nhờ có mảnh đất rộng 1200m2 của gia đình, anh Sơn có điều kiện sáng tạo theo mong muốn của bản thân và gia đình. Ngôi nhà có không gian chính bao gồm khách, bếp, từ đường thờ tự gia tiên, 3 phòng ngủ , 3 nhà vệ sinh.
Tuy nhiên, anh Sơn đã tính toán và thiết kế rất đặc biệt. Anh xây dựng 2 nhà bếp, một bếp khô bên trong không gian chính và bếp theo kiểu truyền thống của vùng nông thôn phía sau nhà để phù hợp với lối sinh hoạt ở quê. Anh cũng bố trí 1 vệ sinh chung và 2 vệ sinh khép kín, rất phù hợp cho những dịp đại gia đình, họ hàng ở xa về quây quần. Nhưng đặc biệt nhất là từ đường thờ tự gia tiên được bố trí một khu tiếp khách nhỏ phía trong từ đường.
Cách bố trí của gỗ vừa truyền thống vừa mang tính thẩm mĩ cao
Ngoài sự tiện nghi, anh Sơn còn đề cao yếu tố thiên nhiên trong công trình của mình. Ngôi nhà như gắn kết con người với thiên nhiên, cây cối xóa nhòa khoảng giữa thiên nhiên và con người, mang đến trạng thái tích cực hơn. Ngôi nhà cũng có nhiều khoảng sân, không gian gian mở để con người giao tiếp với thiên nhiên. Thiết kế mở đón gió đông nam qua khu sân có mái che để đến với các không gian trong công trình.
Mái che tiện lợi
Hòa mình với thiên nhiên
Hiện tại, anh Sơn đang làm việc tại Hà Nội, ít có cơ hội được ở nhà nhưng anh vẫn ấp ủ dự định sẽ về và định cư lâu dài ở quê nhà.