Việt Nam là một quốc gia có nhiều tiềm năng để ngành du lịch kết hợp với dịch vụ chăm sóc sức khỏe phát triển. Tuy nhiên, thay vì xây dựng các dự án với quy mô lớn, nhà đầu tư cần quan tâm đến các vấn đề liên quan tới ESG (Environmental, Social and corporate Governance – Môi trường, Xã hội và Quản trị doanh nghiệp) trong khâu thiết kế.
Việt Nam là một quốc gia có nhiều tiềm năng để ngành du lịch kết hợp với dịch vụ chăm sóc sức khỏe phát triển.
Đó là nhận định của ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, trong buổi chia sẻ mới đây về lĩnh vực phát triển các sản phẩm bất động sản chăm sóc sức khoẻ.
Dịch vụ sức khỏe là một ngành lớn, bao gồm y tế, chăm sóc sức khỏe, du lịch nghỉ dưỡng hay dưỡng lão. Chuyên gia của Savills cho rằng bất cứ tiện ích nào dành cho sức khoẻ của một dự án bất động sản đều có lợi, góp phần thu hút một lượng khách hàng nhất định.
Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của các dòng sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam?
Ông Matthew Powell: Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển bất động sản dành cho người cao tuổi. Các yếu tố chính ảnh hưởng đến thị trường này bao gồm đô thị hóa, thay đổi phong cách sống, hay thay đổi cấu trúc gia đình.
Xét về các yếu tố khác, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam cũng dần cao hơn. Điều này đồng nghĩa với sự gia tăng về nhu cầu đối với dịch vụ chăm sóc sức khỏe dành cho người cao tuổi.
Yêu cầu của họ khá đa dạng, từ những cơ sở vật chất chuyên biệt phù hợp với thay đổi về sức khỏe đến những dịch vụ chăm sóc 24/7 cho những người có vấn đề về tinh thần hay thể chất. Có thể họ không ở trong bệnh viện nhưng vẫn cần một không gian với sự quan tâm và cơ sở vật chất, dịch vụ đặc biệt.
Không gian đó có thể được xây dựng theo mô hình bất động sản cho thuê hoặc nhà để bán. Dòng sản phẩm này đã tồn tại ở Anh và các quốc gia khác với những đặc điểm khá giống với mô hình bất động sản hàng hiệu.
Tuy nhiên, tại thị trường Việt Nam, hình thức bất động sản này còn khá mới.
Theo truyền thống, người Việt thường muốn chọn mua nhà để sống gần bố mẹ. Vậy nên sẽ có một số hạn chế về mặt địa điểm.
Mặt khác, tiềm năng phát triển của loại hình bất động sản này đến từ nguồn khách ngoại quốc. Hiện nay, trên thế giới có nhiều người về hưu và họ đang tìm kiếm địa điểm để đi nghỉ với hệ thống chăm sóc sức khoẻ phù hợp.
Họ sẽ muốn đến các địa điểm như Đà Nẵng, Phú Quốc hay gần các sân golf, trung tâm thể thao với mục đích nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, những dịch vụ về y tế hay chăm sóc sức khỏe cũng được đặc biệt chú ý và quan tâm.
Hiện tại, Việt Nam đã có sẵn nhóm khách hàng quốc tế từ Hàn Quốc và Nhật Bản. Các quốc gia như Malaysia đang thu về lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ phân khúc này nhờ áp dụng loại visa đặc biệt cho người về hưu, và cho phép giảm thuế nhập khẩu các trang thiết bị y tế.
Những chính sách này mang lại lợi ích cho cả hai bên. Đặc biệt, với chương trình “Ngôi nhà thứ hai”, Malaysia đang thu về khoản lợi nhuận đáng kể từ đó.
Nhìn chung, tiềm năng để phát triển bất động sản dành cho người về hưu tại Việt Nam là rất lớn. Không chỉ phục vụ khách nội địa, các sản phẩm này sẽ đáp ứng nhu cầu sẵn có từ khách quốc tế muốn đi du lịch và nghỉ dưỡng.
Để đáp ứng được thị hiếu của khách hàng, đặc biệt trong bất động sản nghỉ dưỡng, nhà đầu tư cần đưa ra những điều chỉnh về chiến lược sản phẩm như thế nào, thưa ông?
Chúng tôi tin rằng việc hợp tác với một đơn vị quản lý bất động sản giàu kinh nghiệm sẽ giúp nâng tầm chất lượng dịch vụ và tạo ra điểm khác biệt cho các dự án khu nghỉ dưỡng.
Với kinh nghiệm làm việc cùng nhiều đơn vị quản lý vận hành nổi tiếng trên thế giới, chúng tôi hiểu rằng giá trị mà những doanh nghiệp này mang lại là thương hiệu. Du khách khi nhìn thấy những thương hiệu quản lý quen thuộc sẽ cảm thấy tin tưởng và an tâm về dịch vụ hơn. Họ đem đến dịch vụ chất lượng cao, tương xứng với giá trị thương hiệu của mình.
Những đơn vị này sẽ có tiêu chuẩn cụ thể về quy trình quản lý, vận hành, đào tạo nhân sự, yêu cầu tiện ích và thiết kế cơ sở vật chất. Khi tham gia vào các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, họ sẽ đầu tư bài bản nhằm đảm bảo các yếu tố đạt yêu cầu do thương hiệu đề ra.
Tuy chi phí có thể đắt hơn so với mặt bằng chung, nhưng đổi lại, các đơn vị quản lý khách sạn có thể giúp nhà phát triển thu về lợi nhuận cao hơn trong dài hạn do đây là mô hình thành công từ trước.
Trong thời gian qua, chúng tôi ghi nhận trong thị trường xuất hiện nhiều dự án khu nghỉ dưỡng thuộc phân khúc cao cấp bên cạnh những phân khúc tầm trung. Trong đó, bất động sản hàng hiệu có chất lượng xây dựng và quản lý tốt nhận được sự quan tâm lớn từ nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các thương hiệu quốc tế đang tỏ ra mong muốn gia nhập thị trường Việt Nam.
Chúng tôi vẫn đang làm việc trực tiếp với những đơn vị vận hành và nhà phát triển để đưa ra giải pháp phù hợp và hiệu quả nhất, đặc biệt khi Việt Nam sẽ có thể đón về nhiều lượt khách quốc tế trong thời gian tới.
Theo ông, trong dài hạn, Việt Nam nên khai thác ngành du lịch chăm sóc sức khỏe và cụ thể là bất động sản nghỉ dưỡng như thế nào để tránh tình trạng “ăn xổi”?
Để có thể phát triển lâu dài, thị trường nghỉ dưỡng của Việt Nam nên chú ý đến yếu tố bền vững. Thay vì xây dựng các dự án với quy mô lớn, nhà đầu tư cần quan tâm đến các vấn đề liên quan tới môi trường và ESG trong khâu thiết kế.
Những sản phẩm không phù hợp với cảnh quan địa phương và không gắn với đặc điểm khu vực cũng sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì tăng trưởng.
Tại một số địa điểm, chúng tôi nhận thấy nhiều dự án thi công đã không còn giữ được cảnh quan tự nhiên vốn có, khiến du khách không còn cơ hội trải nghiệm.
Để tránh trường hợp đó, các nhà phát triển dự án nghỉ dưỡng tại Việt Nam có thể tham khảo và học hỏi cách mà các nước khác đã triển khai xây dựng nhằm bảo tồn vẻ đẹp cũng như lợi thế tự nhiên của khu vực. Đó mới chính là yếu tố thu hút khách tham quan.
Xin cảm ơn ông!