Diễn biến mới tại dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc 17.200 tỷ

Dự án nâng cấp, mở rộng đèo Prenn là công trình giao thông cấp III miền núi, có chiều dài khoảng 7,37km. Dự án có tổng mức đầu tư 550 tỷ đồng, do liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) – Công ty Cổ phần Xây dựng Đèo Cả (DCC) là đơn vị trúng thầu thi công.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Lâm Đồng về việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư đường bộ cao tốc Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) – Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng).

Dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc được đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP) và đã được UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả làm đại diện liên danh các nhà đầu tư lập đề xuất.

Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, dự kiến chi phí lập báo cáo nghiên cứu khả thi là khoảng 50,3 tỷ đồng; chi phí lập báo cáo đánh giá tác động môi trường là khoảng 1,3 tỷ đồng; chi phí tư vấn độc lập thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi dự án tạm tính là khoảng 1,6 tỷ đồng; chi phí lập hồ sơ điều chỉnh chuyển mục đích sử dụng rừng đối với những vị trí điều chỉnh cục bộ khoảng 250 triệu đồng.

Các chi phí khác mà nhà đầu tư đã thực hiện gồm chi phí lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án là 7,3 tỷ đồng; chi phí lập hồ sơ chủ trương chuyển đổi rừng khoảng 433 triệu đồng (địa phận tỉnh Lâm Đồng là 181,2 triệu đồng, địa phận tỉnh Đồng Nai là 252 triệu đồng).

Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả cho biết các chi phí này do nhà đầu tư đề xuất chi trả được tính vào tổng mức đầu tư của dự án và được tổ chức thẩm định, phê duyệt theo quy định. Trường hợp báo cáo nghiên cứu khả thi không được phê duyệt, hoặc không lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện dự án, nhà đầu tư đề xuất dự án chịu mọi rủi ro.

Liên quan đến nội dung trên, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản gửi Ban quản lý dự án giao thông tỉnh xem xét, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng.

Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc dài 66km, nối 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 11/2022. Tổng mức đầu tư dự án là 17.200 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước tham gia vào dự án là 6.500 tỷ đồng (vốn trung ương là 2.000 tỷ đồng và phần vốn của tỉnh Lâm Đồng là 4.500 tỷ đồng), còn lại gồm vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư khoảng 1.605 tỷ đồng và vốn huy động hơn 9.000 tỷ đồng.

Dự án có chiều dài 66 km gồm 11km đi qua địa phận huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai; còn lại đi qua địa phận tỉnh Lâm Đồng (các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm và TP. Bảo Lộc). Quy mô tuyến gồm bốn làn ô tô và 2 làn dừng khẩn cấp liên tục, chiều rộng nền đường đạt 22m (giai đoạn hoàn chỉnh), vận tốc thiết kế 80km/h. Theo kế hoạch, giai đoạn phân kỳ, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác vào năm 2026.

Tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 455ha. Trong đó, tỉnh Đồng Nai khoảng 81ha, tỉnh Lâm Đồng khoảng 374ha. Đơn vị đề xuất dự án này là liên danh nhà đầu tư gồm: Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả – Công ty Cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh – Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Miền Trung.

Liên quan đến dự án này, mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh, bổ sung thêm nội dung cơ chế chia sẻ doanh thu giảm đối với dự án theo quy định tại Điều 82, Luật PPP để tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút nguồn vốn huy động khác từ các nhà đầu tư quan tâm hoặc các ngân hàng và tổ chức tín dụng nhằm phát huy hiệu quả, tính khả thi dự án.

Theo: Vietnamfinance

Tin tương tự
0 0 đánh giá
Bạn thấy bài viết thế nào ?
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận