Ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng vừa chủ trì buổi làm việc nghe báo cáo ý tưởng quy hoạch, đầu tư Tổ hợp dự án sân gôn và du lịch nghỉ dưỡng Đạ Sar tại huyện Lạc Dương.
Huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng (Ảnh minh họa)
Theo đó, sau khi nghe Công ty cổ phần Golden City và đơn vị tư vấn báo cáo ý tưởng quy hoạch và đề xuất nội dung đầu tư Tổ hợp dự án sân gôn và du lịch nghỉ dưỡng Đạ Sar (sau đây gọi tắt là dự án) có diện tích khoảng 90,29 ha tại thị trấn Lạc Dương và xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương.
Đồng thời qua ý kiến phát biểu của các thành viên tham dự, ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, UBND tỉnh ủng hộ và đánh giá cao Công ty cổ phần Golden City đã quyết tâm, nỗ lực nghiên cứu, khảo sát, lựa chọn địa điểm để đề xuất dự án với mục tiêu xây dựng một Khu du lịch độc đáo, đẳng cấp, hấp dẫn, góp phần gia tăng các sản phẩm du lịch cao cấp cho tỉnh Lâm Đồng, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 25/7/2022 của Tỉnh ủy Lâm Đồng.
Đồng thời, góp phần phát triển kinh tế – xã hội huyện Lạc Dương nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung.
Về ý tưởng quy hoạch, ông Phạm S cho rằng Công ty cổ phần Golden City đã lựa chọn Greg Norman là đơn vị có uy tín và thương hiệu lớn trên thế giới trong lĩnh vực tư vấn thiết kế sân gôn và khu nghỉ dưỡng.
Do đó, ý tưởng quy hoạch của đồ án đảm bảo chất lượng, độc đáo, hấp dẫn. Về cơ bản, mục tiêu quy hoạch đã đáp ứng với Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của huyện Lạc Dương và không ảnh hưởng đến quy hoạch 03 loại rừng trên địa bàn tỉnh; phần diện tích 40,54ha thuộc thị trấn Lạc Dương phù hợp với chức năng “du lịch nghỉ dưỡng” theo quy hoạch chung thị trấn Lạc Dương; phần diện tích 49,75ha thuộc xã Đạ Sar được định hướng gồm “đất nông nghiệp và một phần nhỏ diện tích là đất rừng” theo Quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới xã Đạ Sar.
Do đó, cần phải nghiên cứu điều chỉnh, tích hợp và hoàn thiện các quy hoạch có liên quan của huyện Lạc Dương để đảm bảo việc thu hút đầu tư dự án này phù hợp với quy hoạch và quy định của pháp luật.
Ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã yêu cầu tiếp tục nghiên cứu thêm đối với một số hạn chế, bất cập có liên quan.
Đơn cử như, cần khảo sát, đánh giá kỹ hiện trạng dân cư, từ đó nghiên cứu, đề xuất giải pháp khả thi của công tác thương lượng bồi thường, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư. Trên cơ sở đó mới đảm bảo được tính khả thi khi đề xuất và triển khai dự án.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu để đề xuất mật độ xây dựng, thiết kế công trình đảm bảo phù hợp với quy hoạch và điều kiện địa hình của khu vực; tiếp tục nghiên cứu để tận dụng các giá trị văn hóa địa phương nhằm khai thác gia tăng các sản phẩm, dịch vụ văn hóa gắn với du lịch tại dự án.
Chưa hết, ông Phạm S cũng yêu cầu bổ sung hồ sơ chứng minh năng lực tài chính và đảm bảo nguồn vốn chủ sở hữu, vốn huy động phù hợp quy định khi đề xuất dự án đầu tư.