UBND tỉnh Lâm Đồng vừa giao Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh nghiên cứu văn bản cam kết của Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Á về việc bố trí nguồn vốn tham gia dự án xây dựng đường bộ cao tốc đoạn Tân Phú – Bảo Lộc.
Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng giao Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh nghiên cứu văn bản nêu trên để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh trước ngày 24/3/2023 về phương án tài chính trong quá trình lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xây dựng đường bộ cao tốc đoạn Tân Phú – Bảo Lộc.
Trước đó, ngày 23/2/2023, Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Á có văn bản số 196A/2023/CV-NHNA-01 gửi đến UBND tỉnh Lâm Đồng về việc cam kết bố trí nguồn vốn tham gia xây dựng dự án xây dựng đường bộ cao tốc đoạn Tân Phú – Bảo Lộc.
Tại văn bản này, Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Á cam kết bố trí nguồn vốn tín dụng đối với doanh nghiệp tham gia vào dự án xây dựng đường bộ cao tốc đoạn Tân Phú – Bảo Lộc theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Á cam kết thực hiện cấp tín dụng đối với các doanh nghiệp là nhà đầu tư, nhà thầu tham gia thực hiện dự án trên cơ sở đáp ứng đầy đủ điều kiện và quy định của ngành, của Nam A Bank, bao gồm (không giới hạn) các điều kiện có liên quan.
Cụ thể, doanh nghiệp có năng lực pháp lý, năng lực tài chính để thực hiện mục đích cấp tín dụng và phương án khả thi đảm bảo thanh toán các nghĩa vụ cho Nam A Bank.
Bên cạnh đó, mức cấp tín dụng cụ thể được xác định căn cứ vào phương án sử dụng vốn, khả năng tài chính, quy định về giới hạn cấp tín dụng cũng như khả năng nguồn vốn của Nam A Bank.
Trường hợp nhu cầu vốn vượt quá giới hạn cấp tín dụng của Nam A Bank theo quy định của pháp luật thì Nam A Bank sẽ xem xét liên kết với tổ chức tín dụng khác thực hiện cấp tín dụng hợp vốn.
Trước đó, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) – Bảo Lộc (Lâm Đồng) theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Tuyến đường có tổng chiều dài khoảng 66km, đi qua tỉnh Đồng Nai khoảng 11km (huyện Tân Phú), phần còn lại 55km đi qua địa bàn tỉnh Lâm Đồng (huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm và TP Bảo Lộc). Điểm đầu tuyến đường trùng với điểm cuối của dự án đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú tại xã Phú Trung (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai). Điểm cuối dự án giao với đường Nguyễn Văn Cừ (TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng).
Tuyến đường dự kiến có 4 làn ô tô và 2 làn dừng xe khẩn cấp liên tục, bề rộng nền đường đạt 22m, vận tốc thiết kế đảm bảo xe chạy 80km/h.
Theo kế hoạch, tuyến đường hoàn thành đưa vào khai thác vào năm 2026.
Tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 455ha (trong đó tỉnh Đồng Nai khoảng 81ha, tỉnh Lâm Đồng khoảng 374ha)
Theo tính toán ban đầu, tổng đầu tư của dự án là 17.200 tỉ đồng. Phần vốn nhà nước tham gia dự án là 6.500 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương 2.000 tỉ đồng; vốn ngân sách tỉnh Lâm Đồng 4.500 tỉ đồng. Phần vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư khoảng 1.605 tỉ đồng, còn lại là vốn vay (hơn 9.000 tỉ đồng).