Rầm rộ rao bán đất giá “siêu rẻ”, giá chỉ vài nghìn đồng/m2

Nhiều mảnh đất rừng có diện tích rộng vài hecta (ha) được rao bán rầm rộ tại các trang tin mua bán về bất động sản. Song, sau khi mua phải sử dụng đúng công năng của đất, trong trường hợp xây dựng các công trình khác như homestay, farmstay theo trào lưu nghỉ dưỡng sẽ vi phạm pháp luật.

Đất “siêu rẻ” chỉ vài chục nghìn đồng/m2

Đất rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm tại nhiều khu vực như Hòa Bình, Khánh Hòa, Bình thuận,… hiện đang được rao bán rầm rộ tại các trang tin mua bán bất động sản. Loại đất này thường có giá rất rẻ chỉ từ vài chục nghìn đồng/m2, trong trường hợp, mảnh đất có một phần nhỏ là đất thổ cư giá bán có thể lên tới vài triệu đồng/m2.

Đơn cử, một mảnh đất rừng sản xuất bám đường liên xã tại Lạc Thủy (Hòa Bình) có diện tích 23ha, đang được rao bán với giá 9,2 tỷ đồng, tương đương 40.000 đồng/m2, chỉ bằng giá một gói kẹo, bánh mua tại cửa hàng tạp hóa.

Cũng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, một mảnh đất rừng sản xuất tại Kim Bôi có diện tích 2,3ha đang được rao bán với giá 950 triệu đồng, tương đương hơn 41.000 đồng/m2. Người bán cho biết: “Mảnh đất nằm tại vị trí cạnh đường Tỉnh lộ 21B. Thích hợp để làm trang trại, xây dựng nhà hàng hoặc làm homestay. Về mức giá, người mua có thể đàm phán thêm”.

Hay tại Khánh Hòa, một mảnh đất có diện tích 7,5ha đang được rao bán với giá 4,9 tỷ đồng, tương đương 65.000 đồng/m2. Người bán cho biết: “Do kẹt tiền nên cần bán mảnh đất này đi, diện tích trên sổ hồng là 7,5ha. Trên mảnh đất đã trồng xoài được 5 năm tuổi và một số loại cây khác chuối, cây keo,…”. Ngoài ra, người bán cho biết thêm, mảnh đất rất phù hợp cho những ai muốn xa thành phố về quê làm vườn nghỉ dưỡng, trang trại, cùng đó có thể đào ao nuôi cá hoặc chăn nuôi khác.

Một mảnh đất khác tại xã Ea Bar, huyện sông Hinh (Phú Yên) có diện tích 3,4ha, trong đó có 1,4ha là đất trồng cây lâu năm khác còn 2ha là đất rừng sản xuất đang được rao bán với giá 1,03 tỷ đồng, tương đương 30.000 đồng/m2.

Rầm rộ rao bán đất giá “siêu rẻ”, giá chỉ vài nghìn đồng/m2

Ảnh chụp màn hình.

Một mảnh đất vườn có diện tích 8ha tại đường Hoàng Văn Thái (Liên Chiểu, Đà Nẵng) đang được rao bán với giá 370 triệu đồng, tương đương chỉ 4.600 đồng/m2. Theo người bán, đất nằm ở vị thế cao, phù hợp trồng các loại cây ăn quả, rau, xây dựng nhà vườn hoặc các dự án farmstay, du lịch.

Nhà đầu tư có thể “mất trắng” nếu không sử dụng đúng mục đích

Thực tế, hiện nay rất nhiều mảnh đất rừng sản xuất, đất trồng cây được rao bán với mức giá “siêu rẻ”. Tuy nhiên, sẽ có nhiều rủi cho cho nhà đầu tư khi mua loại đất này.

Theo Luật sư Nghiêm Quang Vinh, Giám đốc Công ty Luật Nghiêm Quang (đoàn luật sư TP. Hà Nội), đất rừng được giao cho các hộ dân tại khu vực sử dụng để trồng rừng. Đất rừng sản xuất phục vụ mục đích phát triển kinh tế nên không bị hạn chế về quyền chuyển nhượng. Chủ sở hữu có thể bán lại cho người mua khác.

Rầm rộ rao bán đất giá “siêu rẻ”, giá chỉ vài nghìn đồng/m2

“Tuy nhiên, người sở hữu phải sử dụng đúng mục đích của công năng đất. Nếu người bán quảng cáo là xây dựng được homestay hay các công trình khác là hoàn toàn sai sự thật. Người mua cần tỉnh táo”, Luật sư Nghiêm Quang Vinh nói.

Ông Vinh cho rằng, trong trường hợp cố tình xây dựng lên sẽ bị phá dỡ, thậm chí có thể bị “mất trắng” nếu Nhà nước thu hồi lại đất và bàn giao cho người khác sử dụng.

Thực tế, có một số người mua các loại đất khác như đất nông nghiệp, đất rừng,…với mục đích chuyển đổi sang thổ cư. Tuy nhiên, Luật sư Nghiêm Quang Vinh cho rằng, muốn chuyển đổi mục đích sang thổ cư phải phụ thuộc vào quy hoạch sử dụng đất của từng địa phương.

“Nếu đất rừng chưa được chuyển đổi mà xây dựng các công trình khác lên sẽ rất rủi ro. Tuy nhiên, thời gian để chuyển đổi được sang thổ cư cũng rất dài, ít nhất phải 5 – 10 năm, thậm chí lâu hơn”, ông Vinh nói.

Ngoài ra, vị này khuyên, các nhà đầu tư cần chú ý tới loại đất khi mua và sử dụng đúng công năng của đất. Bên cạnh đó, rủi ro cho nhà đầu tư cũng rất lớn nên cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi xuống tiền.

Tin tương tự
0 0 đánh giá
Bạn thấy bài viết thế nào ?
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận