Thành phố Đà Lạt sắp “thay da đổi thịt”, rộng gấp 4 lần hiện tại vào năm 2024

Sau khi sáp nhập huyện Lạc Dương, TP Đà Lạt sẽ tăng diện tích gấp 4 lần, lên 1.700 km2, diện tích lớn hơn một số thành phố trực thuộc trung ương như Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Thành phố Đà Lạt sắp “thay da đổi thịt”, rộng gấp 4 lần hiện tại vào năm 2024

Ngày 25/9 vừa qua, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng ký ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nhằm mục đích sắp xếp, điều chỉnh đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở bảo đúng theo các nguyên tắc, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước, phù hợp với văn hóa, không gian phát triển của đơn vị hành chính sau sắp xếp.

Đáng chú nhất đó là việc nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số huyện Lạc Dương (đơn vị hành chính nông thôn) vào thành phố Đà Lạt (đơn vị hành chính đô thị) để mở rộng không gian đô thị thành phố Đà Lạt.

Huyện Lạc Dương nằm ở phía Bắc thành phố Đà Lạt, có tổng diện tích 1.314km2, dân số hiện nay khoảng 36.000 người, có gần 90% diện tích tự nhiên là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Dự kiến sau khi sáp nhập vào năm 2024, thành phố Đà Lạt sẽ có diện tích rộng 1.700km2 và dân số khoảng 280.000 người.

Bên cạnh đó, tỉnh Lâm Đồng cũng thực hiện nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số 3 huyện, gồm Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên thành một huyện. Cũng theo kế hoạch nói trên, tỉnh này sẽ sáp nhập 5 xã của huyện Bảo Lâm, gồm Lộc Tân, Lộc Thành, Lộc Nam, Lộc An và Tân Lạc vào TP. Bảo Lộc để mở rộng không gian đô thị.

Tỉnh cũng điều chỉnh, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của xã Triệu Hải vào xã Quảng Trị, thuộc huyện Đạ Tẻh, do không đảm bảo tiêu chí về dân cư, diện tích. Tương tự, xã Quảng Lập được sáp nhập vào xã P’Ró thuộc huyện Đơn Dương.

Theo lộ trình đề ra trong Kế hoạch 8358, năm 2024, tỉnh Lâm Đồng sẽ hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nêu trên; tiến hành sắp xếp, kiện toàn bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp trong giai đoạn này. Tỉnh tập trung giải quyết chế độ chính sách dôi dư tại các cơ quan, đơn vị; sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công của các cơ quan, đơn vị; thu hồi con dấu cũ, khắc con dấu mới của các cơ quan, đơn vị đã thay đổi địa giới, tên gọi. Trong năm 2025, tỉnh Lâm Đồng sẽ tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 – 2030, trong đó có những đơn vị hành chính mới hình thành sau khi sắp xếp…

Tỉnh Lâm Đồng cũng khuyến khích các địa phương chủ động đề xuất sắp xếp đơn vị hành chính tinh gọn, phù hợp với thực tiễn (kể cả các đơn vị hành chính đã bảo đảm tiêu chuẩn). Không bắt buộc thực hiện sắp xếp (trừ trường hợp địa phương có nhu cầu sắp xếp) đối với đơn vị hành chính cấp xã đã thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2019 – 2021.

Nguồn: Theo CafeF.vn

Tin tương tự
0 0 đánh giá
Bạn thấy bài viết thế nào ?
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận