Xử lý thế nào đối với trường hợp xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp rồi bán cho người khác?

UBND thành phố Bảo Lộc vừa báo cáo một số nội dung về sự bất cập của một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực đất đai.

Xử lý thế nào đối với trường hợp xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp rồi bán cho người khác? - CafeLand.Vn...

Ảnh minh họa.

UBND thành phố Bảo Lộc cho biết, điểm a khoản 4 Điều 5 Nghị định 91/2019/CP ngày 19/11/2019 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai – được sửa đổi, bổ sung năm 2022 quy định: “Việc áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính và thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp có giao dịch về quyền sử dụng đất như sau.

“a) Trường hợp vi phạm hành chính xảy ra trước khi chuyển quyền sử dụng đất thì bên chuyển quyền sử dụng đất bị xử phạt vi phạm hành chính và phải thực hiện biện pháp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm (nếu khi xử phạt hành vi chuyển quyền buộc bên nhận chuyển quyền phải trả lại đất cho bên chuyển quyền) theo quy định. Bên nhận chuyển quyền sử dụng đất phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả còn lại đối với từng trường hợp vi phạm theo quy định”.

Theo UBND thành phố Bảo Lộc, quy định trên hiện nay có nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau.

Thứ nhất, có ý kiến cho rằng đối với các vi phạm xảy ra trước khi chuyển nhượng thì bên chuyển nhượng phải chịu toàn bộ.

Ví dụ như A xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp rồi chuyển nhượng cho B thì khi phát hiện vi phạm thì phải xử phạt A và buộc A phải khôi phục tình trạng ban đầu và nộp số lợi bất hợp pháp.

Thứ hai cũng có ý kiến khác cho rằng, đối với các vi phạm xảy ra trước khi chuyển nhượng thì bên chuyển nhượng phải chịu toàn bộ nếu thuộc trường hợp khi xử phạt buộc bên nhận chuyển nhượng phải trả lại đất.

Ví dụ như A xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp rồi chuyển nhượng cho B mà không đủ điều kiện theo khoản 3 Điều 18 Nghị định 91/CP và thuộc trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy theo điểm b, c khoản 4 Điều 18 Nghị định 91/CP thì buộc phải trả lại đất cho A thì xử phạt tiền A, buộc khắc phục hậu quả trả lại đất và khôi phục tình trạng ban đầu do tự ý chuyển mục đích.

Lại cũng có ý kiến khác cho rằng, đối với các vi phạm xảy ra trước khi chuyển nhượng thì bên chuyển nhượng phải chịu toàn bộ nếu thuộc trường hợp buộc bên nhận chuyển nhượng phải trả lại đất.

Trường hợp không buộc phải trả lại đất thì bên chuyển nhượng sẽ bị phạt tiền, số lợi bất hợp pháp còn bên nhận chuyển nhượng chịu biện pháp áp dụng khắc phục hậu quả. Bởi vì công trình vi phạm khi chuyển nhượng thì bên B đã mua luôn công trình này rồi nên không thể buộc A khôi phục được mà B phải chịu khắc phục hậu quả mới phù hợp với thực tế. Nếu xử phạt vi phạm hành chính và buộc A khắc phục hậu quả thì A cũng không thể khắc phục được.

Chưa hết, còn có ý kiến khác cho rằng, đối với các vi phạm xảy ra trước khi chuyển nhượng thì bên chuyển nhượng phải chịu toàn bộ nếu thuộc trường hợp buộc bên nhận chuyển nhượng phải trả lại đất.

Trường hợp không buộc phải trả lại đất thì bên nhận chuyển nhượng sẽ bị phạt tiền, số lợi bất hợp pháp, áp dụng khắc phục hậu quả.

Theo UBND thành phố Bảo Lộc, cách hiểu này thì cứng nhắc theo ý của điểm a khoản 4 Điều 5, tức là thuộc trường hợp trả lại đất thì bên chuyển nhượng chịu toàn bộ, trường hợp không trả lại đất thì bên nhận chuyển nhượng chịu toàn bộ.

Từ thực tiễn nêu trên, UBND thành phố Bảo Lộc đề nghị UBND tỉnh xem xét, có ý kiến với cơ quan ban hành văn bản để điều chỉnh, giúp cho công tác quản lý, xử lý vi phạm hành chính ở địa phương đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.

Tin tương tự
0 0 đánh giá
Bạn thấy bài viết thế nào ?
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận